Dự hội nghị có các đồng chí trong ban chấp hành đảng bộ huyện; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy; bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc; lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ huyện; thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; các đồng chí bí thư, phó bí thư trực đảng, chủ tịch UBND, trưởng khối dân vận của 7 xã trên địa bàn huyện. Đồng chí Đặng Thanh Hùng, Bí thư Huyện ủy đến dự, chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị.
Báo cáo do đồng chí Lê Phước Thảo, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy trình bày tại Hội nghị nêu rõ: Ba năm qua, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của các cấp ủy về công tác dân vận, trong đó đã chỉ đạo triển khai thực hiện và tổ chức sơ, tổng kết các nghị quyết về công tác vận động quần chúng theo chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy. Các cấp ủy đảng thường xuyên lãnh đạo, định hướng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, định kỳ 6 tháng, năm tổ chức giao ban với Mặt trận, các đoàn thể để kịp thời nắm tình hình, định hướng nhiệm vụ của các cơ quan và giải quyết những đề xuất, kiến nghị qua thực tiễn hoạt động để những chủ trương của Đảng về công tác dân vận được triển khai có hiệu quả trong cuộc sống. Trong 03 năm qua, mặt trận các đoàn thể đã phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ chấp hành đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân; tổ chức tuyên truyền về kết quả Đại hội Đảng các cấp, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Phối hợp triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới…Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận, các hội, đoàn thể ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện.

|
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Thanh Hiền) |
Gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào hiến đất, hiến công, tiền của, cây cối và hoa màu để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nhà sinh hoạt thôn như xã Quế Lộc, Sơn Viên, Quế Ninh, Quế Trung, Quế Phước, Quế Lâm, trong đó có điển hình xã Quế Phước đã vận động 79 hộ dân hiến trên 10.000m2 đất cùng hoa màu để làm đường Quế Phước – Quế Lâm, đường tránh lũ Phú Gia I, và đường liên thôn; nhân dân xã Quế Lộc đã hiến cho nhà nước trên 2.000m2 đất (gồm: đất ở, đất sản xuất), đóng góp tiền mặt 2.031 triệu đồng, 1.000 ngày công cùng hằng trăm cây cối và hoa màu để xây dựng được 5,82km đường xã; 8,69km đường liên thôn, liên xóm và 1,77km kênh mương thủy lợi. Trong đó có các điển hình cá nhân như: hộ ông Hồ Ngọc Huệ - thôn Tân Phong hiến 500m2 đất ở và 500 cây chè; hộ ông Hồ Kim Cảm - Trưởng nhóm Tin lành thôn Lộc Đông hiến 500m2 đất ở, 17 triệu đồng và 25 ngày công; hộ ông Nguyễn Đình Nghi-thôn Lộc Tây 1 hiến 600m2 đất và hàng trăm cây keo tràm… xã Quế Trung phối hợp các ngành làm tốt công tác vâ%3ḅn đô%3ḅng 711 hộ dân trong diện giải tỏa, đền bù, tái định cư để xây dựng khu trung tâm hành chính huyê%3ḅn, đến nay đã có 23 hạng mục công trình được đầu tư xây dựng, diện tích thu hồi gần 46 ha, trong đó có 55 hộ giải tỏa trắng, hiện tại chỉ có 14 hộ có đất tái định cư lâu dài, số hộ còn lại phải chờ đất tái định cư nhưng nhân dân đồng tình với chủ trương của Đảng.
Cùng với việc củng cố, kiện toàn về tổ chức, bộ máy cán bộ theo Hướng dẫn số 01/HDLB-TC-DV-TW ngày 25/5/2000 của Ban Tổ chức - Ban Dân vận Trung ương về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế cán bộ của Ban Dân vận địa phương; Ban Dân vận Huyện ủy, Mặt trận và các đoàn thể đã tham mưu, phối hợp mở được 20 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 800 cán bộ làm công tác vận động quần chúng từ huyện đến cơ sở, giúp đội ngũ cán bộ này nắm được kiến thức, giữ vai trò tham mưu cho cấp ủy và làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng tại địa phương; 100% các xã có cán bộ phụ trách công tác dân vận. Thành lập ở 39 thôn 39 tổ dân vận do đồng chí bí thư chi bộ làm tổ trưởng và đi vào hoạt động có hiệu quả.
Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm; nguyên nhân chủ yếu đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở một số cơ quan đơn vị về công tác dân vận chưa rõ, chưa nhất quán, xem đó là nhiệm vụ của ban dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Việc triển khai thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở một số cơ quan, ban, ngành nhất là đối với khối chính quyền chưa được quan tâm; việc triển khai thực hiện các văn bản của Đảng về công tác dân vận chưa sâu, còn hình thức. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có đổi mới về nội dung, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, song công tác xây dựng lực lượng nòng cốt trong từng tổ chức còn lúng túng, chưa thực sự hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, nhất là ở cơ sở có lúc chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy về chỉ đạo triển khai các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận. Công tác phối kết hợp giữa các ban ngành, các cơ quan chức năng của huyện và các địa phương trong việc triển khai giải quyết các vấn đề, vụ việc phát sinh trong nhân dân còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chưa thường xuyên. Tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, chủ yếu là do nhận thức của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác dân chưa cao, còn có người cho công tác dân vận là của cơ quan chuyên môn. Một số cơ quan, ban, ngành chủ yếu tập trung cho công tác chuyên môn, nên việc triển khai, thực hiện còn bỏ ngỏ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở một số nơi còn trẻ thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm; do đó việc tham mưu cho cấp ủy còn thụ động, làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Hội nghị thảo luận và thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới như sau:
Tăng cường công tác công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng và thực hiện các chỉ thị nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận: Các cấp ủy đảng, chính quyền, mà trước tiên là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị phải nhận thức đúng vai trò, vị trí quan trọng của công tác dân vận, coi việc lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận là động lực để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, là điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ và sức sáng tạo của mình, góp phần ổn định định chính trị, xây dựng quê hương, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, của Đảng về công tác dân vận. Đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện Quyết định 1422-QĐ/TU của Tỉnh ủy và Quyết định 94-QĐ/HU của Huyện ủy về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Định kỳ hằng năm, các tổ chức cơ sở đảng xây dựng chương trình công tác dân vận để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị ở đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận: Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, hệ thống chính trị đổi mới phương thức lãnh đạo công tác vận động quần chúng theo hướng sát người, sát việc, sát cơ sở “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, các đoàn thể và các Hội quần chúng từ huyện đến cơ sở đảm bảo về biên chế và chất lượng, có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về công tác vận động quần chúng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Mặt trận, đoàn thể tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, coi trọng công tác tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng thành công một mô hình điển hình về công tác dân vận.
Tăng cường trách nhiệm về công tác dân vận của chính quyền, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội: HĐND, UBND, các cơ quan, ban, ngành tiếp tục cụ thể hoá các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận thành chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai, dân chủ; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cơ quan và cán bộ, công chức đối với nhân dân. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân trong quá trình thi hành công vụ.
Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội làm tốt công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận về chính trị và tư tưởng trong xã hội; thực hiện tốt vai trò dân chủ đại diện và phản biện xã hội, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tham gia giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở căn cứ vào trách nhiệm của mình được quy định trong Quy chế để kiểm điểm, đánh giá, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác dân vận.