Những ngày cận kề Tết nguyên đán luôn bận rộn. Khi công việc một năm gác lại, người người, nhà nhà hối hả chuẩn bị đón Tết. Nhưng trong tiềm thức của người dân quê tôi luôn đau đáu một công việc được nhắc nhớ hơn bao giờ hết: Chạp mả âm linh.
Đã thành thông lệ trong tâm thức mỗi người dân quê, dù xuôi ngược tất tả trên mọi nẻo đường trong một năm ròng rã mưu sinh, thì cứ đến ngày 25 tháng Chạp hằng năm thì người dân quê lại thành kính hướng về ngày Chạp mả âm linh.
Những nấm mộ của người đã khuất vì thời gian, vì trải qua những binh biến hoặc thất lạc người hương khói được người dân quê tôi thành tâm tu tảo mộ phần. Đấy là nghĩa cử cao đẹp được các thế hệ đi trước lưu dạy lại cho thế hệ hôm nay. Từ tinh mơ sớm ngày 25 cả làng đã hội tụ lại cùng nhau, cùng quay quần tại đình làng hay nhà sinh hoạt cộng đồng thôn để chuẩn bị cho nghi lễ tâm linh đặc biệt này.
Thành tâm tu tảo mộ phần
Cả làng phân chia cụ thể, mấy bà, mấy chị thì lo phần nấu mâm lễ cúng, rồi bữa cơm trưa để cho cả làng tụ hội. Mấy cụ cao niên thì chuẩn bị bưng bày lễ vật, thanh niên trai tráng thì chia thành từng tốp theo các cánh ngả để tu tảo những mộ phần không còn thân nhân hương khói.
Đúng giờ trưa tiếng kiểng vang khắp xóm làng, từng hồi trống giục giã để lễ cúng bắt đầu, từng người thắp nén nhang thơm thành kính. Những mộ phần âm linh kia là các bậc tiền nhân đi trước, người đời sau dẫu không ruột rà máu mủ nhưng luôn thành kính dành trọn tri ân cho những thế hệ đi trước, những người khai hoang mở cõi, những đồng bào của nhau đã an nghỉ nơi các mộ phần kia.
Bữa cơm trưa cũng là dịp cả làng ngồi lại để chuyện trò về công việc mưu sinh suốt cả năm qua, để cùng tất niên tổng lại một năm đối với cả làng, là dịp hỏi han ân cần cùng nhau.
Chạp mả âm linh, lòng người thành kính, là nét đẹp nhân văn cần gìn giữ. Để thế hệ hôm nay khắc ghi công ơn của những người đi trước, để lưu giữ nét đẹp hồn cốt của dân tộc, trọng đạo uống nước nhớ nguồn mãi không quên…